“Về cơ cấu, ngành nuôi tôm đã hai lần chuyển đổi có ý nghĩa cơ bản. Lần đầu vào những năm 2000-2002 với việc chuyển đổi đáng kể đất trồng lúa ít hiệu quả, cùng với khai thác các vùng hoang hóa ven biển để phát triển nghề nuôi tôm. Có thể nói cơ cấu về đất đai và vùng nuôi được hình thành từ lúc này.
Tiếp đó là về cơ cấu đối tượng nuôi được bắt đầu từ giữa thập niên trước và kéo dài một số năm, trong đó, việc đưa tôm thẻ chân trắng vào là một bước đột phá; đồng thời, tìm kiếm một cơ cấu hợp lý về sản phẩm nuôi, nhất là giữa tôm sú và tôm chân trắng cho phát triển nghề nuôi tôm ngày càng trở nên bền vững ở Việt Nam”.
Khu vực Nam Trung Bộ không thiếu tiềm năng phát triển con tôm. Vấn đề đặt ra là sự tuân thủ nghiêm quy hoạch vùng nuôi, ứng dụng công nghệ cao để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng và có tính cạnh tranh cao.
Xây dựng vùng chuyên canh
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2020, diện tích vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là 680 ha; trong đó, 460 ha ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), 220 ha ở xã Cát Thành và Cát Hải (huyện Phù Cát), với sản lượng khoảng 11.000 tấn. Bình Ðịnh ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu thủy sản công nghệ cao ở xã Mỹ Thành, Cát Hải và Cát Thành; sản xuất tôm đạt năng suất, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao tại các thị trường khu vực và thế giới.
Tiến sĩ Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Bình Ðịnh cho biết: Con tôm đang được coi là thế mạnh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Tỉnh Bình Ðịnh hiện có 4.300 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, có 2.300 ha nuôi nước lợ, chủ yếu là nuôi tôm, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 9.600 tấn thủy sản (có khoảng hơn 6.600 tấn tôm). Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển hiện đại và bền vững; trong đó, ngành nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được ưu tiên khuyến khích phát triển để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Ðầu tháng 1-2017, tỉnh Phú Yên cũng đã thông qua Quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản đến năm 2030. Diện tích nuôi tôm là 3.700 ha, và nước lợ là vùng nuôi chủ lực với gần 2.000 ha tôm thẻ chân trắng và hơn 300 ha tôm sú. Thực hiện chiến lược phát triển ngành tôm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Phú Yên đang triển khai xây dựng một số dự án đầu tư hạ tầng tại bốn vùng nuôi tôm trọng điểm, chủ yếu là xây dựng thủy lợi, kênh cấp và thoát nước; hệ thống xử lý nước cấp, nước thải; hệ thống đường giao thông nội bộ và công trình điện… nhằm giảm ô nhiễm các vùng nuôi và giá thành nuôi tôm. Phú Yên phấn đấu đến năm 2030 đạt sản lượng 18.000 tấn tôm/năm; tăng 10.000 tấn so với năm 2012.
Ðể đạt mục tiêu này, UBND tỉnh Phú Yên giao nhiệm vụ cho các địa phương quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tập trung; trên cơ sở đó giao đất, mặt nước lâu dài để người dân yên tâm đầu tư công nghệ mới. Hiện nay, tỉnh đang triển khai nhiều hướng phát triển nghề nuôi tôm, qua kênh khuyến nông, khuyến ngư, các mô hình phù hợp với vùng nuôi và Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững, đào tạo cho người dân tiếp cận tiêu chuẩn VietGAP, các mô hình nuôi mới, kể cả chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh khác trong dự án.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương cho biết, sắp tới sẽ xây dựng một số chuỗi liên kết bằng cách lấy một vài doanh nghiệp đầu tàu làm trung tâm. Doanh nghiệp cung cấp giống cho những hộ nằm trong chuỗi, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ công nghệ, thu mua sản phẩm và phân phối lợi ích hợp lý nhất.
Ngoài những vùng nuôi tôm nêu trên, Phú Yên có hai vùng quy hoạch tập trung và đầu tư nuôi tôm trên cát khá bài bản, ở xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Ðông Hòa) 50 ha và ở xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu) 50 ha của Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Ðắc Lộc. Ðây là doanh nghiệp được đánh giá nuôi tôm đúng quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ cao. “Thị trường thủy sản có rất nhiều, nhưng định hướng của thủy sản Ðắc Lộc vẫn là Nhật Bản. Thị trường này rất khắt khe trong công nghệ, nhưng càng khắt khe, doanh nghiệp càng nỗ lực phấn đấu để được nước bạn tin cậy, ưa chuộng”. Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Ðắc Lộc Nguyễn Thị Nga cho biết.
Hướng tới công nghệ cao
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Thạc sĩ Kim Văn Tiêu cho biết, thực hiện chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, năm 2015 Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì xây dựng mô hình nuôi kết hợp tôm sú, ốc hương, hải sâm và rong biển ở một số địa phương ven biển miền trung. Tại tỉnh Ninh Thuận, mô hình nuôi tôm sú kết hợp hải sâm và rong biển đã cho kết quả tốt, giúp nông dân tăng thêm lợi nhuận từ 165 đến 180 triệu đồng/ha/vụ. “Thành công của mô hình này đã đánh thức các vùng nuôi tôm bị bỏ hoang, từ nuôi thâm canh chuyển sang nuôi kết hợp, bảo đảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Mô hình nuôi kết hợp rất dễ áp dụng và phù hợp với nông dân miền trung nên cần được nhân rộng. Tuy nhiên, lâu nay bà con chỉ quen nuôi đơn thuần, trong khi nuôi kết hợp nhiều đối tượng đòi hỏi kiến thức và nắm vững kỹ thuật mới thành công. Vì vậy, trung tâm khuyến nông các tỉnh cần tăng cường tập huấn cho nông dân, ông Kim Văn Tiêu nhấn mạnh.
Tiên phong đầu tư nuôi tôm trên cát theo hướng bán công nghiệp, ông Tu Thanh Hường, thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận đã trở thành tỷ phú. Năm 2000, nhận thấy cách nuôi tôm manh mún, thiếu đầu tư công nghệ như trước đây đã không còn lợi thế, ông Hường bán hết trang trại dê, cừu để đầu tư công nghệ nuôi 3 ha tôm bằng hình thức trải bạt lót đáy đìa, lắp đặt hệ thống bơm tạo khí mặt đáy và trên mặt nước đìa. Với sản lượng bình quân đạt từ 100 đến 150 tấn tôm thương phẩm/năm, gia đình ông thu nhập mỗi năm gần hai tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Ông Hường chia sẻ: “Tôi nghiên cứu tài liệu, tuân thủ kỹ thuật nuôi theo quy trình sinh học; đầu tư công nghệ, kỹ thuật nuôi tôm bán công nghiệp mới nhất của các nước tiên tiến. Nhờ đó, đìa tôm ít bị dịch bệnh”.
Từ cuối năm 2015, tỉnh Bình Ðịnh giao 120 ha đất cho Công ty cổ phần Thủy sản Việt – Úc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính ở xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ. Con tôm được nuôi trong nhà màng I-xra-en; dùng công nghệ lọc nước tuần hoàn; sử dụng chế phẩm sinh học; ao nuôi có mái che phủ. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu tôm thương phẩm trực tiếp ra thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Ðến nay, tỉnh Bình Ðịnh đã có nhiều dự án nuôi tôm công nghệ cao như Công ty cổ phần Thủy sản Việt – Úc xây dựng nhà kính nuôi tôm công nghệ cao tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ; Công ty TNHH Thành Ly đang triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao tại các xã Cát Hải, Cát Thành, huyện Phù Cát; Công ty TNHH Thạnh Vân và Công ty TNHH Hiệp Thành đang làm thủ tục đầu tư dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát…
Năm 2017, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Ðịnh tiếp tục hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình nuôi tôm xen cua, cá an toàn sinh học tại các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn. Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Giám đốc Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) Bình Ðịnh, năm 2016, dự án đã xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm xen cua, cá an toàn sinh học tại thôn Ðông Ðiền, xã Phước Thắng; thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) và thôn Công Lương, xã Hoài Mỹ (huyện Hoài Nhơn). Những vùng hưởng lợi được dự án hỗ trợ kinh phí xây dựng kênh cấp thoát nước, hệ thống xử lý chất thải và hệ thống điện phục vụ nuôi trồng thủy sản. Riêng các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ một phần chi phí về thức ăn, con giống, đồng thời được hướng dẫn quy trình cải tạo ao nuôi, cách xử lý nước, mật độ con giống tôm nuôi xen canh, quản lý dịch bệnh, cách ghi chép nhật ký nuôi tôm. Ông Ðặng Văn Ty, ở thôn Ðông Ðiền, xã Phước Thắng áp dụng quy trình nuôi tôm xen cá an toàn sinh học trên diện tích 4.000 m2, năm 2016, thu lãi gần 100 triệu đồng. “Quy trình nuôi tôm xen cá an toàn sinh học dễ áp dụng mà mang lại hiệu quả cao”, ông Ty nói.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của người nuôi tôm khu vực Nam Trung Bộ hiện nay là chất lượng tôm giống và tôm thương phẩm. Ở địa phương, việc thực hiện những nội dung này gặp rất nhiều khó khăn, do đó, cần có cơ chế phối hợp rộng hơn, mạnh hơn, chế tài quyết liệt hơn. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương đề xuất, Nhà nước nên nghiên cứu có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các vùng nuôi tôm trọng điểm theo quy hoạch, bao gồm các hạng mục chính như kênh dẫn nước, đường giao thông, hệ thống điện…; có chủ trương chính sách dồn điền đổi thửa vùng nuôi tôm tập trung tương tự trồng lúa; đồng thời có chính sách ưu đãi nhà đầu tư, kêu gọi đầu tư liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm giá cả hợp lý. Như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư lớn yên tâm làm ăn, người dân mạnh dạn đóng góp cùng doanh nghiệp đầu tư mở rộng nghề nuôi tôm theo hướng công nghiệp, hiện đại.
TS Tạ Quang Ngọc – Nguyên Bộ trưởng Thủy sản:
“Về cơ cấu, ngành nuôi tôm đã hai lần chuyển đổi có ý nghĩa cơ bản. Lần đầu vào những năm 2000-2002 với việc chuyển đổi đáng kể đất trồng lúa ít hiệu quả, cùng với khai thác các vùng hoang hóa ven biển để phát triển nghề nuôi tôm. Có thể nói cơ cấu về đất đai và vùng nuôi được hình thành từ lúc này.
Tiếp đó là về cơ cấu đối tượng nuôi được bắt đầu từ giữa thập niên trước và kéo dài một số năm, trong đó, việc đưa tôm thẻ chân trắng vào là một bước đột phá; đồng thời, tìm kiếm một cơ cấu hợp lý về sản phẩm nuôi, nhất là giữa tôm sú và tôm chân trắng cho phát triển nghề nuôi tôm ngày càng trở nên bền vững ở Việt Nam”.
HÙNG KẾ và TRUNG NGUYÊN