Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa hướng dẫn khung thời vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2017 cho các địa phương nhằm chủ động giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

BNEWS.VN Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa hướng dẫn khung thời vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2017 cho các địa phương nhằm chủ động giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Hướng dẫn khung thời vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2017. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, đối với các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên – Huế thả giống tôm sú từ tháng 4 đến tháng 6/2017; nuôi tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 3 đến tháng 8/2017; nuôi tôm vụ Đông thả giống từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10/2017.

Đối với các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên nuôi tôm sú thả giống từ tháng 3 đến tháng 7/2017; nuôi tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 3 đến tháng 8/2017.

Các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận nuôi tôm sú thả giống từ tháng 3 đến tháng 8/2017; nuôi tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 2 đến tháng 9/2017 (một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận có thể nuôi đến tháng 12/2017).

Đối với các tỉnh Đông Nam bộ nuôi tôm sú thả giống từ tháng 2 đến tháng 7/2017; tôm thẻ chân trắng từ tháng 2 đến tháng 8/2017 (một số cơ sở có điều kiện hạ tầng đảm bảo có thể thả giống đến tháng 10/2017).

Các tỉnh ven biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long nuôi tôm sú thả giống từ tháng 1 đến tháng 9/2017 và tháng 11-12/2017; tôm thẻ chân trắng thả giống từ tháng 11/2016 đến tháng 9/2017.

Tổng cục Thủy sản cũng lưu ý, tháng 12/2016 là giai đoạn chuyển mùa và các tháng 2, 3, 4/2017 là cao điểm của nắng, nóng, xâm nhập mặn. Do đó, khuyến cáo các vùng/cơ sở nuôi tôm không chủ động được nguồn nước, cơ sở hạ tầng không đảm bảo không nên thả nuôi.

Bên cạnh đó, các địa phương căn cứ và khung mùa vụ chung, tình hình thực tế ở địa phương để xây dựng lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ cụ thể cho từng vùng trong tỉnh; phổ biến lịch mùa vụ, quản lý chặt chẽ việc thả giống, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi. Đồng thời, triển khai các nhiệm vụ kiểm soát chất lượng con giống, các yếu tố đầu vào dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, đối với những tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu và Cà Mau cần tiến hành kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, việc sử dụng tôm giống bố mẹ theo quy định ngay từ đầu vụ để đảm bảo tạo ra con giống chất lượng cao, sạch bệnh.

Theo báo cáo của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến hết tháng 11/2016, tôm sú ước đạt 566.349 ha, sản lượng ước đạt 232.044 tấn. Tôm thẻ chân trắng ước đạt 65.948 ha, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 210.815 tấn.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, các tháng cuối năm 2016 và đầu năm 2017 khả năng mùa mưa bão sẽ kết thúc muộn, gió mùa Đông Bắc hoạt động sớm, mưa lũ tiếp tục xuất hiện với tần suất cao hơn năm 2015 trên khu vực miền Trung trong những tháng cuối năm 2016.

Bên cạnh đó, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2016 – 2017 của các tỉnh Nam bộ vẫn tiếp tục xảy ra sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thả tôm nước lợ năm 2017

THÀNH TRUNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *